Dịch tả Châu Phi (ASF) càn quét qua đất nước có đàn heo lớn nhất thế giới, tạo nên cơn khủng hoảng thịt trầm trọng nhất ở Trung Quốc. Covid-19 trong năm 2020 tiếp tục làm cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn, giáng mạnh vào những hy vọng tái thiết. Nhưng với các chính sách đầu tư mạnh mẽ, ngành heo ở đất nước tỷ dân đang phục hồi nhanh chóng.

Ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ từ đống tro tàn, hệt như hình ảnh của loài phượng hoàng có thể tái sinh vô hạn. Gần đây, ngân hàng ABN Amro cũng báo cáo rằng một điều kỳ diệu nhỏ đang diễn ra trong ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc khi ngành đang phục hồi sau cơn đại dịch Dịch tả heo châu Phi. Tốc độ hồi phục của ngành đang được đánh giá là “nhanh hơn mọi dự đoán”.

Cuối tháng 11, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc (MARA) đã tiêm một “liều doping” hạng nặng vào quá trình hồi phục thần tốc này.  Ngân hàng ABN Amro cho biết các chính quyền địa phương cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính để các trang trại chăn nuôi heo có thể đạt được tiêu chuẩn cao. Vì khan hàng, giá thịt heo tăng mạnh, dẫn đến lạm phát và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình Trung Quốc. Các nhà chức trách đang hành động để tránh cơn khát thịt heo trở thành một vấn nạn kinh tế của Trung Quốc.

Sự khan hiếm và giá thịt heo tăng phi mã

Dịch ASF bùng phát vào tháng 8/2018 khiến đàn heo Trung Quốc giảm mạnh, ít nhất 40% hay thậm chí là một nửa đàn đã bị xóa sổ. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm và tăng giá mạnh.

Theo thống kê của ngân hàng, giá heo đầu năm nay đã từng cao như hồi đầu năm 2019, khi cơn khủng hoảng đã khiến dân chúng điên cuồng săn lùng lượng thịt heo ít ỏi còn lại cho tết Nguyên Đán. Do nguồn cung khan hiếm nên Trung Quốc đã phải nhập khẩu nhiều thịt heo, một điều chưa từng có tiền lệ.

Người ta từ lâu đã nghĩ rằng sự phục hồi của ngành chăn nuôi heo sẽ kéo dài đến năm 2024. Tuy nhiên, các số liệu gần đây nhất của Trung Quốc cho thấy sự phục hồi đang tăng
tốc. Trong quý 3 năm nay, sản lượng thịt heo của Trung Quốc cao hơn năm ngoái 18%. Số liệu cho thấy sự gia tăng sản lượng đó cũng tiếp tục trong tháng 10. Các tổ chức chăn nuôi gần đây cũng thông báo rằng nhu cầu heo giống ở Trung Quốc đang ở mức cao, đồng nghĩa với việc sản lượng thịt heo sẽ mau chóng tăng trở lại.

Rabobank: Xây dựng lại ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc là chìa khóa

Vào tháng 11, Ngân hàng Rabobank cũng đưa ra các dự đoán dành cho nền chăn nuôi heo của đất nước tỷ dân này. Trong Triển vọng Protein Động vật Toàn cầu 2021, ngân hàng này bày tỏ kỳ vọng rằng vào năm 2021, quốc gia này sẽ đưa ra thị trường từ 10% đến 15% lượng thịt heo.

Theo ước tính của Rabobank, hơn 25 tỷ Euro đã được đầu tư vào chăn nuôi heo tại Trung Quốc trong năm nay. Quy mô đàn heo của Trung Quốc do đó sẽ tăng trưởng vào năm 2021 lên 80% số lượng trước khi ASF xảy ra vào tháng 8 năm 2018. Trước ASF, Trung Quốc chiếm một nửa sản lượng thịt heo toàn cầu.

“Bóng ma” ASF

Trong năm 2020, các số liệu báo cáo về ASF tại Trung Quốc không quá được chú ý khi toàn thế giới chìm trong đại dịch. Trong cả năm 2020, Trung Quốc chỉ có 20 báo cáo tình hình ASF.

Trong đó, 9 trường hợp được báo cáo diễn ra trên các đường cao tốc, khi những thương lái vận chuyển phi pháp và bị bắt tại các điểm kiểm dịch, 9 trường hợp khác là tại các trang trại nuôi gia đình. Trang trại nhỏ nhất bị ảnh hưởng có 17 con, trong khi trang trại lớn nhất đến 10,000 con.

Đáng chú ý nhất là 2 báo cáo vào tháng 3 tại tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Trong 2 báo cáo này, Trung Quốc đã phát hiện tổng cộng 5 cá thể heo rừng bị nhiễm ASF, dấy lên làn sóng lo ngại về việc lây lan ASF thông qua các động vật ngoài tự nhiên. Cơ chế lây nhiễm qua động vật hoang dã tương tự các trường hợp của Châu Âu cũng khiến nhiều chuyên gia phải suy tính các mô hình bảo vệ đàn heo khổng lồ của Trung Quốc nhiều hơn.

Ý Cẩm