Bệnh tai xanh trên lợn hay còn gọi là hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS), là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra, bệnh có tính chất lây lan nhanh, làm chết nhiều lợn khi kế phát với bệnh khác. Đặc trưng của bệnh là gây sảy thai, thai chết lưu ở lợn nái chửa, lợn ốm có triệu chứng điển hình sốt cao trên 40°- 41oC, viêm phổi nặng, đặc biệt là ở lợn con cai sữa. Khi bệnh xảy ra thường gây thiệt hại kinh tế lớn cho người chăn nuôi.
Phương thức truyền lây:
+ Trực tiếp : Do lợn khỏe tiếp xúc với lợn mắc bệnh, lợn mang trùng, qua phân, nước tiểu… chứa mầm bệnh và qua thụ tinh nhân tạo…
+ Gián tiếp : Qua dụng cụ chăn nuôi, qua hình thức vận chuyển lợn mang trùng, qua gió có thể đi xa tới 3 km, qua người tiếp xúc với lợn ốm.
Triệu chứng, bệnh tích:
+ Triệu chứng:
Lợn nái:
+ Giai đoạn mang thai: sốt 40 – 42°C, biếng ăn, sẩy thai vào giai đoạn chửa 2 hoặc thai chết lưu chuyển thành thai gỗ; thể cấp tính tai chuyển màu xanh, đẻ non vào giai đoạn cuối của thời kỳ mang thai hoặc thai chết yểu.
+ Lợn nái giai đoạn đẻ và nuôi con: ăn ít, lười uống nước, mất sữa và viêm vú, đẻ sớm, da biến màu, chậm chạp hoặc hôn mê, thai gỗ, hoặc lợn con chết ngay sau khi sinh (khoảng 30%). Lợn con yếu, tai chuyển màu xanh (khoảng 5%). Cấp tính: đẻ non, tăng tỷ lệ thai chết hoặc yếu, tăng số thai gỗ, chết lưu trong giai đoạn 3 tuần cuối trước khi sinh (có thể tới 30%). Tỷ lệ chết ở đàn con có thể tới 70% ở tuần thứ 3 – 4 sau khi xuất hiện triệu chứng.
+ Lợn nái giai đoạn sau cai sữa: lợn nái động dục không bình thường (kéo dài) hoặc phối giống mà không thụ thai, ho và viêm phổi nặng.
Lợn con: Sốt cao (40 – 42°C), gầy yếu, khó thở, mắt có dử mầu nâu, phần da mỏng như da bụng, gần mang tai thường có màu hồng, đôi khi da có vết phồng rộp, tiêu chảy nhiều, ủ rũ, run rẩy và thường bị chết.
Lợn choai, lợn thịt: sốt cao (40 – 42°C), biếng ăn, ủ rũ, ho, thở khó, những phần da mỏng như phần gần tai, phần da bụng lúc đầu màu hồng nhạt, dần dần chuyển thành màu hồng thẫm và tím nhạt.
– Lợn đực giống: sốt, bỏ ăn, đờ đẫn hoặc hôn mê, giảm hưng phấn hoặc mất tính dục, lượng tinh dịch ít. Các trường hợp cấp tính, lợn đực bị sưng dịch hoàn. Phần lớn lợn đực nhiễm vi rút không có biểu hiện lâm sàng, nhưng trong tinh dịch có vi rút từ 6 đến 8 tháng.
Bệnh tích:
Mổ khám lợn bệnh thấy phổi viêm tụ huyết hoặc xuất huyết; khí quản, phế quản chứa nhiều bọt. đối với lợn nái có chửa thai chết lưu, thai gỗ…
Tùy theo loại bệnh ghép với lợn bệnh tai xanh mà có thể có bệnh tích của bệnh ghép đó.
Phòng bệnh: Hiện nay chưa có kháng sinh đặc hiệu để chữa bệnh tai xanh ở lợn. Vì vậy công tác phòng bệnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi.
Vệ sinh chuồng trại:
+ Chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh thú y, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông . Trước cổng trại, khu vực chăn nuôi phải có hố khử trùng, trước cửa vào chuồng nuôi có khay thuốc sát trùng, vôi bột.
+ Hàng ngày thu gom phân về hố ủ, hệ thống rãnh thoát nước lưu thông tốt, giữ khô nền chuồng với lợn nái nuôi con và lợn con mới cai sữa; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi 1 lần/tuần.
+ Sau khi xuất lợn (với lợn thịt), chuyển lợn (với lợn nái) cần vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng và để trống chuồng nuụi 7 ngày rồi mới nhập đàn mới vào chuồng nuôi.
+ Sử dụng phên, bạt che chuồng nuôi và có hệ thống sưởi ấm hoặc làm mát để duy trì nhiệt độ thích hợp, nhất là đối với lợn nái nuôi con và lợn con cai sữa.
Vệ sinh phương tiện, dụng cụ chăn nuôi:
+ Mỗi dãy chuồng phải có phương tiện, dụng cụ chăn nuôi riêng; trước khi đưa vào sử dụng và sau khi sử dụng phải rửa sạch và sát trùng kỹ.
+ Tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào khu vực chuồng nuôi phải được rửa sạch và phun thuốc sát trùng, có khu vực riêng để bảo quản và cất giữ các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi.
Vệ sinh thức ăn nước uống:
+ Cho lợn ăn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng; không dùng thức ăn bị ôi, mốc, cần vệ sinh máng ăn của lợn thường xuyên, không để thức ăn còn thừa trong máng.
+ Cần cung cấp đầy đủ nuớc uống đảm bảo vệ sinh.
Có chuồng nuôi cách ly lợn mới mua trước khi nhập đàn:
+ Mỗi trại, hộ chăn nuôi cần có khu vực nuôi cách ly cho lợn mới nhập, khu vực nuôi cách ly phải cách xa các chuồng nuôi khác.
+ Lợn giống nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định và còn thời gian miễn dịch; đối với chăn nuôi lợn thương phẩm cần áp dụng phương thức cùng vào và cùng ra; thực hiện nuôi cách ly 30 ngày trước khi nhập đàn.
Nuôi cách ly gia súc ốm: Khi phát hiện lợn ốm phải tách khỏi đàn và nuôi ở khu vực nuôi cách ly để theo dõi, chăm sóc, điều trị; lợn nuôi tại khu cách ly, sau khi khỏi bệnh ít nhất 10 ngày mới cho nhập đàn.
Tiêm phòng vắc xin: Tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn như: Dịch tả, Tai xanh, phó thương hàn, Tụ huyết trùng…
Các biện pháp chống dịch:
Khi phát hiện lợn bị ốm, chết nhiều và có biểu hiện mắc các triệu chứng như trên (bỏ ăn, sốt cao, khó thở…), người chăn nuôi cách ly lợn ốm ra khu vực riêng để điều trị và phải báo ngay cho Nhân viên thú y xã và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để lây lan ra diện rộng,
+ Không được buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, nếu lợn chết thì phải chôn theo qui định, cấm vứt xác bừa bãi ra ngoài môi trường xung quanh.
+ Tăng cường dinh dưỡng cho lợn khỏe, bổ sung các loại vitamin và khoáng chất vào thức ăn, nước uống để tăng sức đề kháng.
+ Tiêu hủy những lợn bị chết bằng cách chôn theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
+ Vệ sinh khử trùng tiêu độc, xử lý phân, rác, chất thải… bằng các loại hóa chất hoặc vôi bột xung quanh chuồng nuôi.
Nguyễn Thị Haauk – Chi cục Thú y Vĩnh Phúc
Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc
Bình luận đã đóng.