Cục Sở hữu Trí tuệ đã ban hành Quyết định số 4521/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00090 cho vịt Cổ Lũng – Bá Thước. UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa) là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Vịt Cổ Lũng hay còn gọi là vịt Quốc Thành, vịt Mường Khòong là giống vịt có xuất xứ ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Thoạt nhìn, vịt Cổ Lũng giống như vịt bầu, tuy nhiên, có đặc điểm riêng là cổ rụt, chân nhỏ lùn, cổ và đầu thường có lông khoang, lông mướt, con trống có lông đuôi xoăn, cổ ánh cườm biếc. Là loài ưa môi trường sạch sẽ, hay bơi lội tìm kiếm mồi tạp; có khả năng kháng bệnh tốt, xương nhỏ, thịt nhiều nạc, thơm ngon khó loại vịt nào sánh bằng.
Vịt Cổ Lũng – Bá Thước tươi nguyên con đã giết mổ có khối lượng từ 1,3 đến 1,6 kg; tỷ lệ thịt xẻ từ 74,41 – 77,91 %; độ dai cơ thịt từ 30,03 – 32,28 N; tỷ lệ mất nước chế biến từ 25,78 – 27,52 %; độ đỏ của thịt từ 6,30 – 7,89 (a*); hàm lượng Protein từ 16,02 – 17,92 %; hàm lượng Lipit từ 18,53 – 24,58%; hàm lượng Axit amin từ 9614 – 10063 mg/100g.
Vịt nơi đây nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon là nhờ các điều kiện thiên nhiên độc đáo của khu vực địa lý. Ngoài các điều kiện tự nhiên thì các bí quyết của người dân bản địa trong việc chăm sóc và tập quán chăn nuôi vịt bằng thức ăn tự nhiên và nuôi thả chủ yếu tại các con suối tự nhiên cũng là yếu tố tạo nên tính chất đặc thù của vịt Cổ Lũng – Bá Thước.
Để gìn giữ giá trị của vịt Cổ Lũng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã ban hành Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Khu vực địa lý, gồm xã Ban Công, xã Thành Lâm, xã Thành Sơn, xã Cổ Lũng, xã Lũng Niêm và xã Lũng Cao thuộc huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa).
Thời gian qua, nhằm bảo tồn giống vịt Cổ Lũng và phát triển kinh tế cho nhân dân, UBND huyện Bá Thước đã thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục hồi và phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa”.
Dự án đã thực hiện thành công mô hình chăn nuôi vịt sinh sản, vịt thương phẩm và ấp nở trứng vịt theo hướng an toàn sinh học.Điển hình là các mô hình nuôi vịt sinh sản với 1.800 con; vịt thương phẩm gồm 3.000 con với khối lượng từ 1,8-2 kg/con; ấp nở trứng vịt với 2 tổ có máy ấp tại 2 xã vùng dự án để cung ứng đủ giống vịt cho địa bàn vùng dự án…
Hiện các mô hình này đã được nhân rộng ra toàn huyện, giúp nhân dân mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Hà Châu
Báo Sở Hữu Trí Tuệ & Sáng Tạo