Giá heo hơi đồng loạt giảm mạnh trên cả nước. Chỉ trong vòng khoảng 10 ngày qua, giá heo hơi đã giảm mạnh 8.000-10.000 đồng/kg. Đơn cử hôm qua (13-10), giá heo hơi giảm 1.000-5.000 đồng/kg trên cả nước, xuống mức 66.000-76.000 đồng/kg tùy vùng.

Như vậy nếu so với lúc đạt đỉnh 100.000 đồng/kg, hiện giá heo hơi giảm 35.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong khoảng một năm qua.

Giảm mạnh vì nguồn cung khá dồi dào

Lý giải giá heo giảm mạnh, một số doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi cho rằng do sức mua trên thị trường giảm. Bên cạnh đó, heo nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam tăng cao. Hơn nữa, do lo ngại bệnh dịch tả heo châu Phi quay trở lại khiến nhiều người chăn nuôi lo lắng, bán sớm hơn kế hoạch.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, nói: “Chúng tôi kỳ vọng giá heo hơi sẽ xuống và giữ ở mức khoảng 70.000 đồng/kg theo đúng dự báo”. Đại diện Cục Chăn nuôi giải thích thêm, nguyên nhân khiến giá heo giảm trong thời gian gần đây là do đã đáp ứng được nguồn cung.

Cụ thể, hiện nay tốc độ tái đàn đang tăng rất tốt, với mức tăng 12%. “Chúng tôi tin rằng sẽ đáp ứng đủ nguồn cung thịt heo vào quý IV-2010 và dịp tết Tân Sửu sắp tới” – ông Dương khẳng định.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho hay giá thành sản xuất với người chăn nuôi heo nhỏ lẻ hiện ở mức khoảng 70.000 đồng/kg, nên giá như hiện tại là phù hợp. Còn chăn nuôi lớn tập trung giá thành sản xuất hơn 50.000 đồng/kg nhưng vẫn phải giữ giá như vậy để cân bằng cung cầu. Bởi nếu giá giảm xuống quá thấp thì hàng triệu hộ nông dân sẽ gặp khó khăn.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho biết đến tháng 9-2020, tổng đàn heo đã đạt 22,57 triệu con, bằng 82% so với thời điểm trước khi có dịch tả heo châu Phi.
Giá heo hơi giảm mạnh, sau một thời gian dài tăng mạnh
Giá heo hơi giảm mạnh, sau một thời gian dài tăng mạnh

Không còn lo thiếu thịt heo

Hiện nay, tuy giá thịt heo đã giảm so với thời điểm đầu năm 2020 nhưng giá con giống phục vụ cho tái đàn, tăng đàn vẫn đang ở mức cao. Nhiều người lo ngại với mức giá giống cao như vậy sẽ khiến người chăn nuôi e dè tái đàn, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo vào cuối năm.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thừa nhận đến thời điểm này, tuy đã có gần 3 triệu heo nái nhưng số heo nái không sản xuất được ngay mà phải nuôi đến 7-8 tháng mới phối giống được. Khi phối giống, phải mất thêm 3-4 tháng mới có heo con, do vậy áp lực về giống thời gian qua là có, dẫn đến giá giống cao.

Tuy nhiên, ông Tiến cho biết sắp tới với cơ cấu đàn nái 3 triệu con này sẽ sản xuất và tung ra thị trường số heo con lớn hơn, giúp áp lực giá giống giảm. Hơn nữa, đến hết tháng 9-2020, nước ta đã nhập khẩu 156.000 tấn thịt heo từ các nước. Tổng hợp nguồn cung từ số heo tái đàn, tăng đàn thời gian qua cộng với số heo không được chọn giống và giải pháp tiếp tục nhập thịt heo thì lượng cuối năm sẽ đảm bảo nhu cầu.

“Cạnh đó, nếu lượng thịt heo vẫn thiếu hụt thì chúng ta đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm, trứng… Hiện số lượng thực phẩm từ nuôi trồng thủy sản đã tăng lên 430.000 tấn, các loại thịt khác tăng 336.000 tấn… Con số này đủ bù đắp cho thiếu hụt thị trường trong nước, phục vụ cho tăng trưởng và xuất khẩu” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

AN HIỀN