BỆNH CRD Ở GÀ (BỆNH HEN GÀ) – BỆNH ĐƯỜNG HÔ HẤP TRÊN GÀ
Bệnh CRD trên gà hay còn gọi là bênh hô hấp mạn tính trên gà do vi khuẩn Mycoplasma gallisepticum gây ra. Khi vi khuẩn xâm nhiễm vào cơ thể sẽ gây khó thở, thở khò khè (giống như người bị hen nên thường gọi là bệnh hen gà). Bệnh làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho các vi khuẩn cơ hội tấn công gây bệnh kế phát.
CRD là gì? CRD là tên viết tắt Chonic Respiratory Disease đây là bệnh hen ở gà, mặc dù không gây nguy hiểm như bệnh Marek, nhưng chúng ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của đàn gà, giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus khác xâm nhập.
1. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh CRD ở gà là do vi khuẩn Mycoplasma gallisepticum gây nên. Chúng tồn tại trong cơ thể và gây bệnh trên gà khi có các tác nhân stress như việc thay đổi thời tiết đột ngột, sức đề kháng kém. Mycoplasma gallisepticum chỉ sống được từ 1 đến 3 ngày khi ra khỏi cơ thể, trong dịch nhầy chúng có thể tồn tại từ 4 – 5 ngày, trong lòng trắng trứng có thể đến 18 ngày.
2. Đường lây truyền
Chủ yếu qua đường hô hấp từ gia cầm bệnh sang gia cầm khỏe, gia cầm hít phải mầm bệnh trong không khí bị ô nhiễm và có thể truyền từ mẹ sang con thông qua trứng.
3. Triệu chứng
CRD có thời gian ủ bệnh lâu, từ 10 đến 30 ngày. Vì vậy, rất hiếm khi thấy dịch CRD xảy ra ở gia cầm dưới 4 tuần tuổi.
Triệu chứng bao gồm khò khè, hắt hơi và chảy nước mũi. Ở gà tây, xoang mặt, xoang mắt thường bị sưng lên. Khi mổ khám bệnh tích trên gà, khí quản có thể bị viêm, xuất huyết, tích dịch, túi khí dày lên và có mủ.
Đối với gà thịt: Bệnh hay xảy ra lúc đàn gà được 4 – 8 tuần. Triệu chứng thường nặng hơn so với các loại gà khác do sự phụ nhiễm các loại vi trùng khác mà thông thường nhất là E.coli. Vì vậy, trên gà thịt người ta còn gọi là thể kết hợp E.coli – CRD (C-CRD) với các triệu chứng giảm ăn, chảy nước mũi, khó thở trầm trọng hơn, viêm kết mạc mắt, chảy nước mắt, sưng đầu, viêm túi khí nặng. Gà ủ rũ và chết sau khi mắc bệnh 3 – 4 ngày. Tỷ lệ tử vong có thể lên đến 30%, số còn lại chậm lớn và còi cọc.
Đối với gà đẻ và gà trưởng thành: Bệnh phát ra khi thay đổi thời tiết, tiêm phòng, chuyển chuồng, cắt mỏ… các triệu chứng chính vẫn là chảy nước mũi, thở khò khè, ăn ít, gà trở nên gầy ốm, gà đẻ giảm sản lượng trứng, tỷ lệ ấp nở kém, trứng ấp nở cho ra gà con yếu ớt.
4. Bệnh tích
Các bệnh tích khi mổ khám gà mắc CRD tập trung chủ yếu ở đường hô hấp.
- Đường hô hấp trên có hiện tượng viêm tích dịch, xoang mũi tích dịch nhầy, đặc.
- Thanh quản xuất huyết, khí quản, phế quản xuất huyết có bọt khí; trường hợp bệnh nặng sẽ thấy các cục casein màu vàng nhạt trong lòng ống khí quản, phế quản. Phổi có hiện tượng viêm, khi cắt ngang phổi sẽ thấy trong phế nang có chứa dịch, túi khí mờ đục, có bọt khí.
5. Phòng bệnh
Phòng bệnh CRD ở gà bằng việc xây dựng hàng rào an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo đàn gà cùng vào cùng ra cực kỳ quan trọng trong công tác phòng bệnh.
Chuồng gà phải ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, mật độ nuôi phù hợp với lứa tuổi kích thước của con gà. Sử dụng men rắc chuồng cùng với chất độn chuồng sạch để hạn chế khí độc thải ra từ sự phân hủy của phân gà.
Hiện nay có nhiều loại vaccine phòng bệnh CRD trên gà cho hiệu quả tốt, sử dụng vaccine phòng bệnh là phương pháp rẻ tiền, hiệu quả nhất hiện nay.
- Đối với gà thịt nuôi dài ngày phòng một liều duy nhất giai đoạn 4 – 5 tuần tuổi.
- Đối với gà đẻ có nhiều loại vaccine khác nhau thời gian tiêm khác nhau nhưng đặc điểm chung là không tiêm khi gà nhỏ hơn 4 tuần tuổi.
Tùy thuộc từng vaccine sẽ có cách sử dụng (tiêm, uống, nhỏ mắt,…) khác nhau cũng như thời gian nhắc lại khác nhau. Mỗi loại vaccine nhà sản xuất đều khuyến cao chi tiết cách sử dụng, độ tuổi gà cần sử dụng.
6. Điều trị
Cần chẩn đoán chính xác gà bị mắc kế phát, bội nhiễm hay không để đưa ra phác đồ thích hợp.
=> Ví dụ, trường hợp gà mắc bệnh CRD ghép với Gumboro, Newcastle cần điều trị bệnh Gumboro, Newcastle trước khi điều trị bệnh CRD.
Trường hợp gà mắc bệnh CRD cần xử lý:
- Kiểm tra, loại bỏ các yếu tố gây stress cho gà (chất độn chuồng bẩn, nguồn nước, thức ăn không đảm bảo).
- Hạ sốt, long đờm cho gà với các thuốc: Para C + Bromhexin… Cho gà uống nước tự do, giảm mật độ nuôi.
- Sử dụng kháng sinh Ticosin S250 + Apflu cho uống 3 ngày liên tục.
Bình luận đã đóng.