Sau gần một năm tạm lắng, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) bùng phát trở lại ở Quảng Bình. Ngành NN-PTNT đã căng hết sức mình chống dịch…
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình nhìn nhận: “Cho dù ngành NN-PTNT làm hết sức mình, nhưng nếu chính quyền địa phương các cấp thiếu sự phối hợp và vào cuộc thì việc dập dịch sẽ rất khó khăn. Khi dịch bệnh lan rộng thì người nông dân lại lâm vào cảnh khốn khó”.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) có nguy cơ lan rộng
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, từ ngày 22/11 đến ngày 17/12, bệnh DTLCP đã xảy ra ở 19 hộ/14 thôn/10 xã của 3 huyện, thị xã. Trong đó, có 6 xã của huyện Tuyên Hóa, 2 xã của huyện Quảng Trạch và 2 xã của thị xã Ba Đồn.
Theo lãnh đạo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình, bệnh DTLCP tái xuất đầu tiên tại huyện Tuyên Hóa từ ngày 22/11 đến nay, dịch bệnh xảy ra ở 11 hộ/9 thôn/6 xã (Mai Hóa, Phong Hóa, Cao Quảng, Tiến Hóa, Văn Hóa, Thạch Hóa).
Tiếp đó, đến ngày 29/11, dịch lây lan đến huyện Quảng Trạch ở 2 xã Cảnh Hóa và Phù Hóa. Từ ngày 4/12, dịch bệnh lan đến 2 xã Quảng Tiên và Quảng Hòa của thị xã Ba Đồn…
Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy 116 con lợn chết, lợn bị nhiễm bệnh với tổng trọng lượng trên 4.500 kg.
Trên thực tế, những nơi tái phát dịch là xã đã xảy ra dịch bệnh cuối năm 2019 và đầu năm 2020 nên mầm bệnh còn tồn lưu trong môi trường, tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có chuồng trại chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.
Mặt khác, do ảnh hưởng của lũ lụt làm môi trường bị ô nhiễm, tạo điều kiện mầm bệnh tồn tại, phát sinh.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y Quảng Bình cho biết thêm: “Trong khi bệnh chưa có vacxin tiêm phòng, virus gây bệnh có sức đề kháng cao, đường truyền lây đa dạng, khó kiểm soát. Vì vậy bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) có nguy cơ bùng phát cao”.
Khi phát hiện điểm dịch đầu tiên, ngành NN-PTNT Quảng Bình đã tập trung nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để các cấp, các ngành, người chăn nuôi và cộng đồng nâng cao ý thức trách nhiệm, hiểu rõ mức độ nguy hiểm bệnh.
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho hay: “UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Chốt kiểm dịch động vật tạm thời liên ngành cấp tỉnh tại xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Chúng tôi chỉ đạo lực lượng thú y tích cực, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh.
Đồng thời, định hướng dư luận, bảo vệ người chăn nuôi, người tiêu dùng. Trong điều kiện các địa phương đang nỗ lực khôi phục sản xuất sau thiên tai thì việc chống dịch bệnh DTLCP phải được đưa lên hàng đầu”.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tăng cường cán bộ bám cơ sở nơi đang xảy ra dịch bệnh, cấp đủ hóa chất sát trùng, áo quần bảo hộ, máy nổ phun hóa chất cho một số địa phương phục vụ công tác chống dịch.
Lực lượng thú y chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để khống chế, dập tắt dịch bệnh trong diện hẹp, tuyệt đối không để lây lan. Chúng tôi quán triệt phương châm ‘phát hiện nhanh, báo cáo kịp thời, tiêu hủy triệt để’.
Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn UBND các xã triển khai các biện pháp chống dịch. Trong đó, chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi khối, hóa chất sát trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Quản lý tốt hoạt động giết mổ và vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn”.
Gia đình ông Trần Văn Hoà (xã Phù Hoá, huyện Quảng Trạch), sau lũ đã khẩn trương mua lợn về nuôi với hi vọng có lợn bán dịp tết. Khi phát hiện 2 trong số đàn heo 11 con của mình chết bất thường, nghi vấn do dịch DTLCP nên ông Hòa đã báo cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Do lợn nhiễm bệnh nên phải tiêu hủy, ông Hòa đắng lòng vì thêm một lần nữa trắng tay.
Hàng ngàn hộ dân của các địa phương có dịch DTLCP đang ngày đêm lo ngay ngáy. Bà Lê Thị Bông (huyện Tuyên Hóa) vừa khôi phục được đàn lợn 10 con cũng ăn ngủ không yên. Bà mua vôi bột về rải xung quanh chỗ chuồng trại, cấm người lạ, người nhà ra khu vực nuôi.
Bà bảo: “Làm vậy mà dịch vẫn lan đến thì thật là khổ. Nhiều gia đình bị lũ lụt làm cho khánh kiệt. Sau lũ, vay mượn, tiền các nhà hảo tâm cho để dành mua lợn về thả hi vọng có thu nhập, nay vì dịch mà phải tiêu hủy thì lại lần nữa lâm vào khốn khó. Nay tết lại chỉ còn hơn 2 tháng nữa thì cũng chẳng biết lấy cái chi mà vui Xuân đây”.
Chính quyền phải vào cuộc quyết liệt hơn…
Sau lũ lụt, Quảng Bình được Trung ương và các doanh nghiệp hỗ trợ 20.000 lít hóa chất sát trùng; 20 tấn hóa chất Chlorine; 150.000 liều vacxin phòng bệnh các loại… Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã khẩn trương đưa về các địa phương để triển khai phòng chống dịch.
“Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang thiếu hóa chất sát trùng, vắc xin phòng bệnh. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ Trung ương thì việc chống, dập dịch sẽ vô cùng khó khăn”, ông Tám nói.
Tại tỉnh Quảng Bình, hệ thống thú y cấp huyện, cấp xã không còn nên công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh chưa chặt chẻ. Tại một số địa phương có dịch hoặc vùng lân cận, hoạt động giết mổ chủ yếu là nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ kiểm soát được 1/3 số cơ sở nên việc giết mổ, tiêu thụ sản phẩm của lợn chưa đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh thường xảy ra. Trên các tuyến đường giao thông qua vùng dịch, chính quyền các địa phương chưa thành lập chốt kiểm soát động vật để thực hiện phun tiêu độc, khử trùng phương tiện vào ra.
Việc phòng chống dịch bệnh tại các địa phương (cấp huyện, thị xã) chủ yếu giao cho Phòng Nông nghiệp hoặc Kinh tế và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, hướng dẫn kiểm tra. Vì cán bộ phụ trách lĩnh vực chăn nuôi thú y cấp xã không có hoặc ít có chuyên môn về thú y nên việc tham mưu, xử lý ổ dịch chậm, chưa kịp thời.
“Đó cũng là nguyên nhân để cho dịch lây lan rộng và rất khó kiểm soát. Nếu chính quyền địa phương chưa thực sự rốt ráo, chưa chú trọng đến việc kiểm soát dịch bệnh thì lực lượng thú y cũng không thể làm tốt nhiệm vụ phòng chống dịch”, ông Tám nhìn nhận.
Chính quyền địa phương cấp huyện, thị xã cần khẩn trương chỉ đạo UBND xã tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không khai báo, bán chạy lợn bệnh hoặc vứt xác lợn chết ra môi trường. Trong đó, lấy lực lượng công an chính quy tăng cường về địa phương làm nòng cốt để hiệu quả cao hơn.