Mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Lâm Đồng đã được khống chế, tuy nhiên do nhiều lý do, nhất là về nguồn vốn, hơn 3.000 hộ chăn nuôi lợn chưa thể tái đàn sau dịch. Sau khi đàn lợn gần 200 con bị tiêu hủy do nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, gia đình bà Nguyễn Thị Tân ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà gặp rất nhiều khó khăn để tái đàn. Bà Tân cho biết, giá lợn giống tăng cao khiến gia đình không dám nuôi vì sợ mua trúng lợn không đảm bảo chất lượng, dễ phát sinh dịch bệnh.

Chuồng trại bỏ trống, người dân không dám tái đàn
Chuồng trại bỏ trống, người dân không dám tái đàn

“Đàn lợn chết hết rồi gây khó khăn cho gia đình trong việc trả nợ. Vốn của tôi mất khoảng 500 triệu. Bây giờ tôi đang muốn tái đàn nhưng không biết phải làm sao” – bà Tân nói.
Tương tự tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng nơi có hơn 160 hộ nuôi lợn đến nay cũng trong tình trạng không mua được lợn giống để tái đàn. Theo thống kê, đến nay toàn xã mới chỉ tái đàn được 15.300 con bằng một nửa so với trước dịch.

Ông Huỳnh Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp cho biết, hiện nay, do nguồn giống cung cấp tại chỗ khan hiếm, giá lợn giống từ các cơ sở giống lại quá đắt nên nhiều hộ chăn nuôi sợ rủi ro chấp nhận bỏ trống chuồng trại.

“Địa phương đã khuyến cáo đối với những trường hợp đủ điều kiện thì nên tái đàn. Bên cạnh đó, xuất xứ nguồn gốc con giống phải có mẫu xét nghiệm đạt chất lượng thì mới cho tái đàn để tránh việc bùng phát lại dịch bệnh ảnh hưởng đến bà con” – ông Vũ nói.

Theo ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có hơn 10.000 hộ và 305 trang trại chăn nuôi lợn. Qua thống kê ngành chăn nuôi do tình trạng lợn giống khan hiếm đang khiến hơn 3.000 hộ chăn nuôi không thể tái đàn.

“Dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị do đó khi nhiễm bệnh tỷ lệ chết khá lớn lên đến 100%. Song song với kiểm soát dịch bệnh thì hiện tại tình trạng cung ứng con giống trên thị trường cả nước cũng như tỉnh Lâm Đồng hết sức khó khăn, do nguồn cung con giống không đủ để đáp ứng cho việc tái đàn của người dân. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Lâm Đồng khuyến cáo người dân tăng đàn nhưng không ồ ạt”.

Dịch tả lợn châu phi có nguồn gốc từ đâu?

Năm 1921: Dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya (châu Phi).

Năm 1957: Dịch tả lợn châu Phi lần đầu được phát hiện và báo cáo tại châu Âu.

Năm 2007: Dịch được phát hiện ở Armenia.

Năm 2008: Azerbaijan bắt đầu có heo nhiễm bệnh.

Từ cuối năm 2017 – 2018, đã có 12 quốc gia báo cáo có lợn nhiễm dịch tả châu Phi, bao gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Tiệp Khắc, Hungary, Latvia, Moldova, Phần Lan, Rumani, Nam Phi, Ukraine và Zambia.

Vào tháng 8/2018:Dịch tả lợn Châu Phi lần đầu xuất hiện ở Trung Quốc. Đã có hàng triệu con lợn nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy tại quốc gia này.

Còn tại Việt Nam, tỉnh Hưng Yên là nơi đầu tiên phát hiện ra ổ dịch.

Tính đến nay, số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp cho biết, dịch tả heo châu Phi đã có mặt tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, với tổng số heo mắc bệnh và phải tiêu hủy lên đến hơn 1,2 triệu con, chiếm hơn 4% tổng đàn heo của cả nước.