Thử nghiệm vacxin viêm da nổi cục trâu, bò bước đầu phát huy hiệu quả
Vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục trâu, bò đã phát huy hiệu quả, sau gần 3 tuần tiêm thí điểm tại Sơn La.
Vacxin viêm da nổi cục bước đầu có hiệu quả
Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò đã xảy ra tại huyện Vân Hồ và huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La từ ngày 11/11/2020. Đến ngày 7/12/2020, dịch bệnh xảy ra đã khiến 76 con bò mắc bệnh và phải tiêu hủy.
Khi dịch bệnh xuất hiện, tỉnh Sơn La đã khẩn trương chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách khống chế bệnh Viêm da nổi cục; tạm dừng vận chuyển, cung cấp trâu, bò giống thuộc các chương trình dự án hỗ trợ người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị Cục Thú y hỗ trợ và hướng dẫn sử dụng vacxin; ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
Đến nay, Sơn La đã tiêm thí điểm vacxin VDNC cho 1.830 con bò. Sau tiêm một tuần, có 10 con bị sưng tại vị trí tiêm, tuy nhiên đến nay đã dần giảm sưng, tất cả số trâu bò được tiêm vacxin không có con nào phát bệnh.
Đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh VDNC trâu, bò tại tỉnh Sơn La, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Khi bệnh xuất hiện, các cơ quan chuyên môn đã phát hiện rất sớm và khẩn trương có các bước xử lý. Đầu tiên là khoanh vùng, tiêu hủy những con bị nhiễm bệnh. Tiếp đến là lập những chốt để kiểm soát dịch bệnh. Đồng thờ, Bộ NN-PTNT đã cho phép các doanh nghiệp nhập vacxin và tiêm bao vây những khu vực dịch bệnh cũng như tiêm đánh giá ở những khu vực chưa nhiễm bệnh.
“Đến thời điểm hiện tại, thể trạng của tất cả các đối tượng bò nhỏ, trưởng thành, bò đang khai thác sữa, đang có thai đều bình thường. Thông qua dấu hiệu ban đầu có thể khẳng định vacxin có hiệu quả”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Theo Thứ trưởng Tiến, Bộ NN-PTNT sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhập đủ lượng vacxin và hướng dẫn kỹ thuật cũng như tập huấn, khảo sát, xem xét, đánh giá, giám sát lưu hành để có những các bước xử lý tiếp theo. Sau khi khảo kiểm nghiệm đầy đủ các yếu tố của vacxin, sẽ cho tiêm đồng loạt.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng lưu ý vào mùa xuân, mùa hè, các loại ve bắt đầu hoạt động trở lại, nguồn lây lan cũng như đối tượng môi giới truyền bệnh sẽ có nguy cơ cao, cần tăng cường phòng bệnh để đảm bảo phòng bệnh cho toàn bộ đàn đại gia súc cả nước.
Ông Nguyễn Văn Bách, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh thuốc thú y Amavet (Amavet) cho biết, ngay khi dịch bệnh VDNC xuất hiện vào tháng 10/2020, Bộ NN-PTT và Cục Thú y đã vào cuộc rất quyết liệt và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam.
Theo đó chỉ trong khoảng hơn 1 tháng, vacxin đã được nhập về đến Việt Nam. “Chúng tôi đã làm việc với 2 đối tác Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan và cuối tháng 11/2020 và đã nhập được 30.000 liều vacxin VDNC để triển khai tiêm phòng thí điểm”, ông Nguyễn Văn Bách thông tin.
Cũng theo ông Bách, khi vacxin về tới Việt Nam, Cục Thú y đã chỉ đạo các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Thái Nguyên triển khai tiêm thí điểm. Sau khi kiểm tra, nếu có hiệu quả sẽ triển khai tiêm phòng chống dịch bệnh đồng loạt.
Tại Sơn La, đến nay, sau gần 3 tuần tiêm thí điểm ở Sơn La, về cơ bản tất cả biểu hiện lâm sàng trên đàn bò được tiêm vacxin đểu ổn định, sức khỏe tốt, đặc biệt là không ảnh hưởng đến sản lượng sữa cũng như đối tượng bò con, bò đang mang thai (đối với bò sữa).
Song song với việc thực hiện tiêm thí điểm, Amavet cũng đã chuẩn bị công văn để xin nhập thêm vacxin. Ngay khi có kết quả tốt về việc đánh giá hiệu lực, công ty sẽ nhập thêm vacxin nhằm đảm bảo cung ứng đủ để phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.
Không có người chống dịch
Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh VDNC tại Sơn La, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết theo Luật Thú y (Điều 6), đã nêu rõ ở Trung ương có Cục Thú y, tỉnh có Chi cục Thú y, huyện có Trạm Thú y và xã có nhân viên thú y.
Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Thú y đã đi vào cuộc sống và có hiệu quả rất tốt trong công tác triển khai phòng chống dịch bệnh, đặc biệt khi quy mô đàn vật nuôi và thủy sản ngày càng tăng. Điển hình như năm 2020 là 520 triệu con gia cầm; 27,3 triệu con lợn; trên 1 triệu con trâu bò; thủy sản có sản lượng nuôi trồng khoảng 4,6 triệu tấn.
Tuy nhiên thời gian qua, một số tỉnh đã thực hiện sáp nhập đơn vị thú y vào Trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Như Sơn La, sau khi thực hiện sáp nhập, đã thể hiện rõ những bất cập trong công tác phòng chống dịch bệnh, không có người chống dịch, không người tiêm phòng, không người theo dõi, không người giám sát, không người làm kế hoạch, báo cáo…
Qua thực tiễn cho thấy, hệ thống thú y đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Không có hệ thống thú y thì dịch bệnh phát sinh và rất khó ngăn chặn. Cụ thể là Dịch tả lợn Châu Phi, khi xảy ra năm 2019 đã phải tiêu hủy hơn 6 triệu con lợn, gây thất thoát 42.000 tỷ đồng, Nhà nước đã phải bỏ 13.200 tỷ tiền ngân sách để hỗ trợ.
“Do đó, Bộ NN-PTNT đã xin ý kiến các Bộ, trình Chính phủ những căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn của đề án kiện toàn lại hệ thống thú y theo đúng tinh thần của Luật Thú y” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Thứ trưởng Tiến cũng cho biết thời gian tới, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là 2 đối tượng quan trọng, chiếm tỉ trọng gần 50% trong nông nghiệp và còn dư địa rất lớn. Nếu không có hệ thống thú y, không có đội ngũ thú y, nhất là hệ thống thú y cơ sở thì sẽ không thể làm tốt được công tác phòng chống dịch bệnh…